Hướng dẫn một số nội dung cơ bản về đại hội đảng bộ cấp huyện và đại hội chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030

Ngày 1/7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Hướng dẫn số 18-HD/TU một số nội dung cơ bản về đại hội đảng bộ cấp huyện và đại hội chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030; Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh xin đăng toàn văn Hướng dẫn.

 

HƯỚNG DẪN

một số nội dung cơ bản về đại hội đảng bộ cấp huyện

và đại hội chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030

-----

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (viết tắt là ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương) bám sát nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (sau đây viết tắt là Chỉ thị 35), Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 288-KH/TU ngày 01/7/2024 của Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo đại hội cấp mình và cấp cơ sở. Tại Hướng dẫn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn một số nội dung cơ bản, như sau:

A. ĐỐI VỚI CẤP HUYỆN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

I. Thành lập các Tiểu ban

1. Cấp ủy cấp huyện và tương đương thành lập 03 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Tuyên truyền và phục vụ Đại hội.

2. Cấp ủy cấp huyện và tương đương căn cứ đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị để quyết định số lượng, thành phần các tiểu ban và thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng, hiệu quả hoạt động; đồng thời, chỉ đạo các tiểu ban xây dựng, ban hành quy chế làm việc, thành lập tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể. Thời gian hoàn thành: Trước ngày 31/7/2024.

II. Xây dựng các văn kiện đại hội

1. Báo cáo chính trị trình đại hội

Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo Tiểu ban văn kiện xây dựng đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, lấy ý kiến tham gia, góp ý để hoàn thiện đề cương; trên cơ sở đề cương chi tiết đã hoàn thiện, Tiểu ban văn kiện (phân công tổ biên tập theo từng nhóm hoặc lĩnh vực, trong đó, có nhóm trưởng chịu trách nhiệm chính) chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tiến hành xây dựng dự thảo báo cáo chính trị và tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo báo cáo.

Việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị phải được tiến hành theo quy trình khoa học, từ khâu lập đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, kết cấu, bố cục các phần, mục cho đến dự thảo toàn văn và thể thức trình bày... trong đó, cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Quán triệt sâu sắc quan điểm, yêu cầu tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng dự thảo báo cáo chính trị.

(2) Việc xây dựng và tổ chức thảo luận, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức liên quan và ý kiến của cấp ủy cùng cấp về dự thảo đề cương chi tiết báo cáo chính trị, gồm: Tiêu đề; nội dung cụ thể các phần, mục; những đánh giá, nhận định khái quát về thành tựu, ưu điểm, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, kinh nghiệm; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp.

(3) Dự thảo toàn văn báo cáo chính trị phải chú trọng tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý rộng rãi (nhiều lần, nhiều nhóm đối tượng khác nhau) bằng các hình thức phù hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, các chuyên gia, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.

* Quá trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị cần lưu ý:

- Xác định Tiêu đề (chủ đề) của báo cáo chính trị: Vừa có tính khái, bao trùm, nhưng phải ngắn gọn, súc tích; có tính định hướng chính trị, tư tưởng; nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, quyết tâm, khẩu hiệu hành động, dễ nhớ, dễ hiểu, thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội (nhiệm kỳ 2020 - 2025):

+ Đầy đủ, toàn diện, khách quan, đúng đắn về kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (kể cả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy) lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp; trong đánh giá kết quả đạt được, phải chỉ ra những thành tựu, ưu điểm nổi bật và những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu (phải xây dựng phụ lục có hệ thống số liệu minh họa cụ thể).

+ Chú trọng đánh giá công tác tự phê bình và phê bình nghiêm túc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị: về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

+ Chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của cả ưu điểm, thành tựu và hạn chế, yếu kém, trong đó cần đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn, báo cáo cần đúc rút những kinh nghiệm thiết thực, trở thành những bài học có giá trị chỉ dẫn cho hoạt động của đảng bộ về sau.

- Phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp (nhiệm kỳ 2025 - 2030):

+ Trên cơ sở dự báo tình hình (quốc tế, trong nước, địa phương), báo cáo chính trị phải đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp có cơ sở khoa học, vừa thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đảng bộ và nhân dân, vừa có tính khả thi cao. Trong những nhiệm vụ và giải pháp phải mang tính cơ bản, chủ yếu, chiến lược, lâu dài, vừa phải có những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, trọng tâm, đột phá trên một số lĩnh vực, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực của địa phương.

+ Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp là kết tinh trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phải bám sát các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng và dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2025 - 2030) và điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, đồng bộ, khả thi, hiệu quả để thực hiện.

(4) Tổng hợp, chắt lọc, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, thông qua cấp ủy cùng cấp trước khi báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến (Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

2. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy

Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo Tiểu ban văn kiện xây dựng đề cương chi tiết; xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm cấp ủy và tổ chức lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo báo cáo.

Với trọng trách trước Đảng bộ và Nhân dân, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy (nhiệm kỳ 2020 - 2025) kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo về những thành tựu, khuyết điểm, hạn chế của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, trong đó lưu ý:

- Đối với Ban Chấp hành Đảng bộ:

(1) Tập trung kiểm điểm sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ về phát triển toàn diện kinh tế (phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, lãnh đạo tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế, lãnh đạo xây dựng đô thị, phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới); cùng với phát triển kinh tế, kiểm điểm lãnh đạo lĩnh vực văn hóa - xã hội (về giáo dục và đào tạo, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục; đóng góp của khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giảm nghèo và an sinh xã hội); lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác cải cách hành chính; tập trung kiểm điểm công tác lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công tác xây dựng chính quyền, công tác nội chính, dân vận và hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội.

(2) Về lập trường chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân.

(3) Về đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ gắn với vai trò cá nhân từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trong đóng góp, đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của Đảng bộ.

- Đối Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy:

(1) Thực hiện Quy chế làm việc của cấp ủy, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phân công và trách nhiệm của Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy phụ trách địa bàn, lĩnh vực.

(2) Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của Đảng bộ để lãnh đạo toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chinh trị. Phương thức lãnh đạo, tác phong công tác, lề lối làm việc của tập thể và từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy; mối quan hệ, lề lối làm việc giữa Ban Thường vụ cấp ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp.

Chỉ rõ nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, trong đó xác định nguyên nhân khách quan (tác động bên ngoài) và nguyên nhân chủ quan (năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy).

Cấp ủy nghiêm túc kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước Đảng bộ, trình Đại hội góp ý, để cấp ủy khóa mới rút kinh nghiệm, có hướng khắc phục, sửa chữa, lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới.

3. Dự thảo Nghị quyết đại hội

Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo Tiểu ban văn kiện xây dựng dự thảo Nghị quyết; lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đã được tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý, hoàn thiện, tiến hành xây dựng dự thảo nghị quyết đại hội.

Dự thảo nghị quyết đại hội là những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị để trình đại hội thảo luận, quyết định; trong đó, cần tập trung đánh giá đúng, sát tình hình thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 (về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị).

* Lưu ý: Hệ thống chỉ tiêu chủ yếu trong nghị quyết đại hội cần thống nhất với chỉ tiêu của tỉnh và bổ sung các chỉ tiêu đặc thù riêng của địa phương, đơn vị mình (trong đó, chú trọng chỉ tiêu: kết nạp đảng viên mới, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt", phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…).

 4. Dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội

Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương chỉ đạo Tiểu ban văn kiện xây dựng dự thảo chương trình hành động; lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện chương trình hành động.

Chương trình hành động là tài liệu xác định biện pháp, giải pháp, cách thức thực hiện nghị quyết gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị; thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp, nhất là các giải pháp lớn, trong đó phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan phối hợp, cơ quan tham mưu, thực hiện, mốc thời gian hoàn thành.

5. Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý và tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo văn kiện của Trung ương và của Tỉnh ủy nhằm góp phần phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; đồng thời, giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần lưu ý:

- Chuẩn bị và tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện; tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

- Căn cứ tình hình cụ thể của đảng bộ để lựa chọn cách lấy ý kiến cho phù hợp, tiếp thu được nhiều ý kiến có chất lượng. Cần định hướng, gợi mở những nội dung quan trọng, những vấn đề mới, những vấn đề có nhiều phương án.

- Coi trọng lấy ý kiến thông qua hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn khác phù hợp với từng đối tượng, nhất là ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ lão thành, nhân sĩ, trí thức. Phát huy dân chủ, cầu thị, lắng nghe, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, không định kiến với những ý kiến phản biện khác với ý kiến của đa số, nhưng phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, không mơ hồ, dao động, luôn tỉnh táo, cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá.

- Việc lấy ý kiến cần bám sát nội dung gợi ý thảo luận của Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho từng dự thảo văn kiện. Phân công, bố trí cán bộ là những cán bộ, đảng viên am hiểu về nội dung các văn kiện, có năng lực tổng hợp để làm công tác tổng hợp ý kiến để trình cấp thẩm quyền tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện.

III. Công tác chuẩn bị nhân sự (xây dựng các phương hướng, đề án, phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân); nhân sự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2026 – 2031.

1. Về tiêu chuẩn cán bộ (Phụ lục 1 kèm theo)

2. Tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025; xây dựng phương hướng, đề án, phương án nhân sự 

Cấp ủy cấp huyện và tương đương tiến hành tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình; kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 (có đề cương báo cáo tổng kết nhân sự kèm theo).

          Cấp ủy cấp huyện và tương đương phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 để xác định phương hướng nhân sự cho phù hợp. Việc xây dựng đề án nhân sự bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với địa bàn, lĩnh vực quan trọng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; phải chú trọng nâng cao chất lượng cấp ủy, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy. Đề án nhân sự phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chuẩn bị đề án nhân sự ủy ban kiểm tra khóa mới, báo cáo cấp ủy thảo luận, thông qua.

3. Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031

3.1. Về cơ cấu

3.1.1.Cấp ủy

- Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa
phương, cơ quan, đơn vị; phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng mà cơ cấu nhân sự cấp ủy.

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (tham gia cấp ủy) nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi đối với cấp ủy cấp huyện và phấn đấu thực hiện: Dưới 42 tuổi từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); từ 42 đến 50 tuổi khoảng 40%-50%, còn lại trên 50 tuổi.

- Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ; trường hợp số lượng cấp ủy viên đủ tuổi tái cử cao hơn thì việc lựa chọn cấp ủy viên tái cử trước hết phải căn cứ vào trình độ, năng lực, có thành tích công tác và sản phẩm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ, sự tín nhiệm đối với cán bộ (có thể lựa chọn nhân sự thông qua phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp của ban chấp hành đảng bộ). Riêng Đảng bộ huyện Trà Bồng thì rà soát báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy trước khi thực hiện quy trình tái cử.

- Thực hiện chủ trương: Không nhất thiết thực hiện địa phương nào cũng cơ cấu đồng chí chính trị viên tham gia cấp ủy trừ một số địa phương thực hiện nhiệm vụ quan trọng, trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, cần thiết thì Đảng ủy Quân sự tỉnh phối hợp cấp ủy địa phương báo cáo Tiểu ban nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xem xét, cho ý kiến.

* Lưu ý: Đối với những địa phương có Đồn biên phòng thì sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp ủy (ban thường vụ cấp ủy cấp huyện phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh) xem xét, thực hiện quy trình để báo cáo cấp ủy cấp trên (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) chỉ định đồng chí Đồn trưởng Đồn biên phòng tham gia cấp ủy các cấp (cấp huyện, cấp xã; việc chỉ định tăng thêm cấp ủy viên không tính vào số lượng cấp ủy theo quy định) theo tinh thần Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư và Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian hoàn thành 30 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội cấp huyện.

3.1.2. Cơ cấu ban thường vụ cấp ủy

Đảm bảo cơ cấu nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số theo mục tiêu Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Cơ cấu ban thường vụ cấp ủy khóa mới theo hướng phân công ngoài các đồng chí thường trực cấp ủy thì cơ cấu vào các vị trí: 01 phó chủ tịch HĐND; 01 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và trưởng các ban đảng: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận (Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc); chỉ huy trưởng quân sự; trưởng công an; người đứng đầu cấp ủy một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy.

3.2. Về số lượng cấp ủy:  

Số lượng cấp ủy viên: Cơ bản thực hiện như nhiệm kỳ 2015-2020, cụ thể:

- Đảng bộ Thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn: không quá 43 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ không quá 41 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành không quá 39 cấp ủy viên.

- Đảng bộ các huyện: Minh Long, Sơn Tây không quá 37 cấp ủy viên.

- Đảng bộ huyện Lý Sơn không quá 35 cấp ủy viên.

- Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: không quá 37 cấp ủy viên.

- Đảng bộ Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh: không quá 23 cấp ủy viên (số lượng cụ thể theo Hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương).

3.3. Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp ủy:

- Thành ủy Quảng Ngãi, Thị ủy Đức Phổ và Huyện ủy Bình Sơn không quá 13 đồng chí; các địa phương còn lại không quá 11 đồng chí.

- Huyện ủy Lý Sơn: không quá 09 ủy viên ban thường vụ (định hướng cơ cấu: Bí thư, các Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Công an huyện, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện và giao Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, cân nhắc giữa Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặ trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Phó chủ tịch HĐND huyện, phó chủ tịch UBND huyện để chọn 02 đồng chí cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương).

- Đảng ủy Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 07 đồng chí (số lượng cụ thể theo Hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương).

- Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: 09 đồng chí (định hướng cơ cấu: tại cơ quan Thường trực Đảng ủy Khối 06 đồng chí (bí thư, các phó bí thư, trưởng các ban) và 03 đồng chí cơ cấu các ngành, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy, gồm: Đại diện khối Đảng, đoàn thể; đại diện khối Chính quyền và đại diện khối Doanh nghiệp).

3.4. Về cơ cấu, số lượng bí thư, phó bí thư cấp ủy gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031:  

- Thực hiện chủ trương bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐND (trừ trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng, hợp lý mới cơ cấu đồng chí phó bí thư thường trực đồng thời kiêm nhiệm chủ tịch HĐND cấp huyện). Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý.

- Số lượng phó bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh là 02 đồng chí; trong đó, đối với cấp ủy cấp huyện cơ cấu 01 phó bí thư thường trực và 01 phó bí thư là chủ tịch ủy ban nhân dân, đối với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: 01 phó bí thư thường trực, 01 phó bí thư phụ trách tổ chức cơ sở đảng.

- Đối với số lượng phó bí thư cấp ủy của các tổ chức đảng trong khối lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo Quy định số 192-QĐ/TW ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị; Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

4. Về cơ cấu, số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra

4.1. Đối với ủy ban kiểm tra huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh[1]

4.1.1 Ủy ban kiểm tra các huyện ủy, thị ủy, thành ủy  

- Số lượng từ 7 đến 9 ủy viên (do cấp ủy quyết định), trong đó có 2 ủy viên kiêm chức (trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp).

Khi thảo luận thông qua đề án nhân sự ủy ban kiểm tra, cấp ủy cấp huyện cần bám sát tình hình thực tiễn của địa phương (về cơ cấu tổ chức trong hệ thống chính trị, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong đảng bộ…); số lượng biên chế cơ quan ủy ban kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xem xét, dự kiến số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra cấp mình để vừa đảm bảo đủ số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định của Đảng vừa đảm bảo thực hiện đúng số lượng chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp do vướng chỉ tiêu biên chế được giao, không thể thực hiện đủ số lượng tối thiểu ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định của Đảng, thì ban thường vụ cấp ủy cấp huyện báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện.

- Các ủy viên chuyên trách, gồm: Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy; từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên.

4.1.2. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

- Số lượng từ 7 đến 9 ủy viên (do cấp ủy quyết định), trong đó có 2 - 3 ủy viên kiêm chức (là trưởng hoặc phó ban tổ chức và 01 đồng chí bí thư hoặc phó bí thư Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hoặc Thanh tra tỉnh; bí thư hoặc phó bí thư tổ chức cơ sở đảng trực thuộc doanh nghiệp).

Khi thảo luận thông qua đề án nhân sự ủy ban kiểm tra, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cần bám sát tình hình thực tiễn của Đảng bộ mình (số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong đảng bộ…); số lượng biên chế cơ quan ủy ban kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xem xét, dự kiến số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra cấp mình để vừa đảm bảo đủ số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định của Đảng vừa đảm bảo thực hiện đúng số lượng chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp do vướng chỉ tiêu biên chế được giao, không thể thực hiện đủ số lượng tối thiểu ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định của Đảng, thì Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện.

- Các ủy viên chuyên trách, gồm: Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy; từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên.

4.1.3. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh[2]

- Số lượng từ 5 đến 7 ủy viên (do cấp ủy quyết định), trong đó có từ 03 đến 04 ủy viên chuyên trách (gồm: 01 phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên cùng cấp, 01 phó chủ nhiệm chuyên trách và các ủy viên) và từ 02 đến 03 ủy viên kiêm chức; có 02 cấp ủy viên cùng cấp trở lên.

- Các ủy viên kiêm chức, gồm: Chủ nhiệm là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh; các ủy viên khác là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Công an.

4.1.4. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy: Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh[3]

- Số lượng từ 5 đến 7 ủy viên (do cấp ủy quyết định), trong đó có 01 ủy viên chuyên trách và từ 04 đến 06 ủy viên kiêm chức; có từ 02 đến 03 cấp ủy viên cùng cấp, trong đó có 01 cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực.

- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy; các ủy viên khác là lãnh đạo cơ quan tổ chức, cán bộ, cơ quan tham mưu cùng cấp.

- Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách) và một số ủy viên chuyên trách.

5. Về cơ cấu, số lượng đại biểu dự đại hội và đại biểu dự đại hội cấp trên

5.1. Cơ cấu, số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ huyện và tương đương

Để nâng cao chất lượng đại biểu dự đại hội trong việc thảo luận, đóng góp vào các nội dung quan trọng của đại hội, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ vào số lượng đại biểu được phân bổ và tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành xác định cơ cấu, số lượng đại biểu cụ thể bảo đảm cân đối, hài hòa, phù hợp về thành phần, giới tính, dân tộc; tăng cường số lượng đại biểu đại diện của các ngành, lĩnh vực quan trọng. Định hướng số lượng như sau:

- Đảng bộ Thành phố Quảng Ngãi từ 280 - 300 đại biểu.

- Đảng bộ các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Trà Bồng và Thị xã Đức Phổ: Từ 220 - 260 đại biểu.

- Đảng bộ các huyện: Minh Long, Sơn Tây, Lý Sơn: Từ 150 - 180 đại biểu.

- Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: Từ 220 - 250 đại biểu.

- Đảng bộ Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh: Từ 130 - 150 đại biểu.

5.2. Về cơ cấu, số lượng đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI: Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thông báo phân bổ sau.

* Lưu ý: Ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng đề án trình cấp ủy thông qua và trình đại hội. Đối với đại biểu không trúng đại biểu cấp dưới thì không cơ cấu bầu đại biểu cấp trên.

IV. Về quy trình, hồ sơ nhân sự

1. Quy trình nhân sự tái cử (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra).

2. Quy trình nhân sự lần đầu tham gia (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

3. Hồ sơ nhân sự gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.

(Phụ lục kèm theo)

V. Thẩm định kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự

Tất cả các nhân sự tham gia cấp ủy, ủy ban kiểm tra đều phải được thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị (có hiệu lực 06 tháng tính đến thời điểm đại hội của từng cấp); nếu đã quá 06 tháng thì phải rà soát, báo cáo lại; trường hợp không có phát sinh tình tiết gì mới thì không phải ban hành kết luận mới mà chỉ khẳng định đã kết luận và không có phát sinh. Trường hợp có phát sinh tình tiết mới ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chính trị thì phải kết luận lại.

Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm không để lọt những trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị được giới thiệu bầu vào cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy; chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ, cẩn trọng, tỉ mỉ trong xem xét về tiêu chuẩn chính trị.

(Phụ lục kèm theo)

VI. Thực hiện bầu cử trong đại hội

Việc bầu cử trong đại hội thực hiện theo Quy chế bầu cử, đồng thời lưu ý:

1. Trường hợp bầu cử chưa đủ số lượng cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy mà cuối danh sách có từ 02 đồng chí trở lên có số phiếu bằng nhau, thì lập danh sách những đồng chí có số phiếu bằng nhau để bầu lần thứ hai cho đủ số lượng cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy đã được phê duyệt.

2. Trường hợp danh sách bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy không đúng với
đề án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp thông qua thì ban thường vụ cấp ủy khóa mới kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) có thẩm quyền (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy); sau khi có ý kiến chỉ đạo mới tiếp tục tiến hành bầu cử bí thư, phó bí thư hoặc dừng việc bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội để tiếp tục chuẩn bị.

3. Trường hợp đồng chí được dự kiến giới thiệu để bầu giữ chức chủ
nhiệm ủy ban kiểm tra không trúng cử vào cấp ủy, ban thường vụ hoặc ủy ban
kiểm tra cấp ủy cùng cấp, thì cấp ủy khoá mới báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) có thẩm quyền (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) và tham khảo ý kiến của ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) về phương án giới thiệu nhân sự mới hoặc đề xuất tạm dừng việc bầu chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra để tiếp tục chuẩn bị.

VII. Trách nhiệm thông tin, báo cáo thỉnh thị xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác đại hội

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm:

1. Báo cáo, thỉnh thị ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong trường hợp ý kiến của ban thường vụ cấp ủy có điểm khác với biểu quyết của ban chấp hành đối với nhân sự dự kiến các chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND).

2. Báo cáo và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy) xem xét về công tác chuẩn bị đại hội trước 30 ngày làm việc tính đến thời điểm dự kiến khai mạc đại hội đảng bộ cấp huyện:

- Qua Văn phòng Tỉnh ủy: (1) Báo cáo quá trình chuẩn bị đại hội; (2) Tờ trình xin thời gian đại hội; (3) Văn kiện đại hội (dự thảo báo cáo chính trị; báo cáo kiểm điểm cấp ủy; nghị quyết đại hội; chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội).

- Qua Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Đề án, hồ sơ nhân sự ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra

- Qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Tờ trình về công tác nhân sự, trong tờ trình có nội dung (1)Báo cáo quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội. Nội dung báo cáo phải thể hiện rõ (1.1) cơ cấu, địa bàn, lĩnh vực công tác; cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ đổi mới cấp ủy; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; (1.2) nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030; (1.3) phương án nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước (HĐND, UBND) nhiệm kỳ 2016 - 2021 thay thế ngay sau khi kết thúc đại hội; nhân sự lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2026 - 2031 (cụ thể có mẫu Tờ trình kèm theo trong phụ lục); (2) Đề án, phương án nhân sự; (3) Hồ sơ nhân sự.

VIII. Phân công trách nhiệm phối hợp thẩm định của các cơ quan

1. Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy quá trình chuẩn bị đại hội; văn kiện đại hội và đề xuất thời gian đại hội cụ thể của từng đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Thời gian thẩm định không quá 20 ngày kể từ ngày nhận văn bản của cấp huyện và tương đương.

2. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

 Cơ quan được lấy ý kiến tham gia: Thời gian tham gia không quá 10 ngày làm việc.

3. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì thẩm định và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nhân sự ứng cử ủy ban kiểm tra cấp ủy, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; thông tin ý kiến tham gia đối với nhân sự đại hội cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy khi nhận được Tờ trình, hồ sơ của các địa phương.

Cơ quan được lấy ý kiến tham gia: Thời gian tham gia không quá 10 ngày làm việc.

B. ĐỐI VỚI CHI, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ

I. Những nội dung chung

Căn cứ nội dung nêu tại Mục A, Hướng dẫn này; ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương cụ thể hóa, hướng dẫn cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng không vượt quá số lượng được xác định như nhiệm kỳ 2020 - 2025 và không trái với quy định tại Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị. Trong đó, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định văn kiện, thẩm định tiêu chuẩn chính trị; thẩm định phương án, đề án nhân sự trình đại hội.

* Một số nội dung cần lưu ý:

- Đối với những đảng bộ xã, phường, thị trấn thực hiện hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn so với quy định nhưng tối đa không quá số lượng hiện có (trừ các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác); tuy nhiên, đối với những đảng bộ có khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ thì chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày thành lập tổ chức đảng mới phải thực hiện số lượng theo quy định.

- Thực hiện nhất quán chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/06/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: cán bộ người đứng đầu cấp xã (bao gồm chức danh bí thư cấp xã và chủ tịch UBND cấp xã) không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ (bao gồm thời gian giữ chức vụ cả 02 chức danh cộng lại) trong cùng 01 địa phương; bố trí chức danh bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; khuyến khích bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương ở những nơi có điều kiện.

- Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND (trừ trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng, hợp lý mới cơ cấu đồng chí phó bí thư trực đảng đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND). Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý.

 - Phân công công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã đã giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 08 năm trở lên) tại một địa phương, đơn vị nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới theo quy định.

- Đảng bộ các xã, phường, thị trấn thực hiện đảm bảo quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tại Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 08/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

- Đối với nhân sự tham gia cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp cơ sở ở khu vực doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhà nước), Hợp Tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các hội tự chủ về tài chính thì không buộc yêu cầu có trình độ trung cấp lý luận chính trị khi làm công tác nhân sự giới thiệu bầu cử, nhưng sau khi trúng cử thì động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các đồng chí đó được đào tạo về lý luận chính trị.

II. Công tác chuẩn bị nhân sự

1. Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư gắn với chức danh lãnh đạo khối chính quyền nhiệm kỳ 2026 - 2031

Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị cụ thể hóa, hướng dẫn cho phù hợp nhưng không vượt quá số lượng được xác định như nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó, lưu ý tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ (dưới 40 tuổi); cơ cấu cấp ủy gồm cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách.

Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, định hướng bố trí ban thường vụ cấp xã, như sau: ban thường vụ có 04 đồng chí thì cơ cấu bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, phó bí thư trực đảng kiêm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó bí thư, chủ tịch UBND và chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc; ban thường vụ có 05 đồng chí thì ngoài cơ cấu trên, giao ban thường vụ cấp huyện xem xét, cân nhắc nhiều mặt theo yêu cầu nhiệm vụ và uy tín cán bộ để cơ cấu trưởng công an hoặc chỉ huy trưởng quân sự tham gia ban thường vụ.

2. Cơ cấu, số lượng ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở

2.1. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy xã, phường, thị trấn

Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó phó bí thư đảng ủy làm chủ nhiệm. Các ủy viên khác có thể là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân[4].

2.2. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó phó bí thư đảng ủy làm chủ nhiệm. Các ủy viên khác có thể là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân[5].

2.3. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy công an cấp huyện và ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh[6]:

2.3.1. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ có từ 300 đảng viên trở lên

- Số lượng: Từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cùng cấp quyết định), trong đó có từ 1 đến 2 ủy viên chuyên trách (có một phó chủ nhiệm) và từ 2 đến 3 ủy viên kiêm chức; có từ 1 đến 2 cấp ủy viên cùng cấp.

- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là phó bí thư đảng ủy, phó thủ trưởng đơn vị cùng cấp; các ủy viên khác là lãnh đạo, chỉ huy các ban, đội, tổ phụ trách công tác tổ chức cán bộ, thanh tra hoặc đơn vị nghiệp vụ cùng cấp.

2.3.2. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ có dưới 300 đảng viên

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (do đảng ủy cùng cấp quyết định); có từ 01 đến 02 cấp ủy viên cùng cấp, gồm: Chủ nhiệm là phó bí thư đảng ủy, phó thủ trưởng đơn vị; phó chủ nhiệm, ủy viên là lãnh đạo cấp trưởng phụ trách tổ chức cán bộ và đơn vị nghiệp vụ cùng cấp.

Đối với các đảng bộ có số lượng đảng viên từ 250 đến dưới 300 đảng viên chính thức thì căn cứ yêu cầu công tác và tình hình cụ thể của đảng bộ, có thể bố trí 01 ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.

2.4. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở thuộc đảng bộ Quân đội[7]

2.4.1. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ cơ sở có từ 300 đảng viên trở lên

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên (do đảng ủy cùng cấp quyết định), trong đó có 1 ủy viên chuyên trách và từ 02 đến 04 ủy viên kiêm chức; có từ 02 đến 03 cấp ủy viên cùng cấp, trong đó có 01 cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực.

 - Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy; các ủy viên khác là lãnh đạo cơ quan tổ chức, cán bộ, cơ quan tham mưu cùng cấp.

2.4.2. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy các đảng bộ cơ sở còn lại

- Số lượng: Từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (do đảng ủy cùng cấp quyết định); có từ 1 đến 2 cấp ủy viên cùng cấp.

- Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ đảng ủy hoặc do bí thư, phó bí thư cấp ủy đảm nhiệm (đối với những nơi không có ban thường vụ đảng ủy); các ủy viên khác là lãnh đạo cơ quan (bộ phận) tổ chức, cán bộ, cơ quan tham mưu cùng cấp.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 288-KH/TU ngày 01/7/2024 của Tỉnh ủy và Hướng dẫn này, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương tiến hành các công việc sau:

I. Xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình; quy định, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, thời gian và việc tiến hành đại hội của đảng bộ, chi bộ cơ sở cấp dưới; đồng thời, phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo đại hội các đảng bộ, chi bộ cơ sở.

II. Đăng ký thời gian tổ chức đại hội đảng bộ cấp mình vào cuối quý I năm 2025 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy) để sắp xếp lịch tổ chức đại hội phù hợp.

III. Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) đại hội điểm của các chi, đảng bộ trực thuộc để cử cán bộ tham dự.

VI. Để đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cấp huyện về hệ thống chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo chính trị, tránh như nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Tiểu ban văn kiện của tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy hướng dẫn thống nhất đối với các huyện, thị xã, thành phố; địa phương có đặc thù thì có thêm chỉ tiêu đặc thù riêng; tổng thể phải nhất quán với tiêu chí của tỉnh.

V. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy giám sát việc tổ chức thực hiện đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương (kể cả đại hội điểm cấp cơ sở).

Trong quá trình thực hiện, có những phát sinh, vướng mắc, phản ảnh về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ

Đặng Ngọc Huy

- Chi tiết Hướng dẫn 18-HD/TU: Xem và tải về tại đây.

- Các phụ lục, biểu mẫu: Tải về tại đây.

 

[1] Theo điểm 2.6, khoản 2, Điều 8, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

[2] Theo quy định tại Hướng dẫn số 10-HD/UBKTTW ngày 15/02/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng và cấp cơ sở trong Công an nhân dân.

[3] Theo quy định tại Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 14/02/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng và cấp cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội.

[4] Theo điểm 2.8, khoản 2, Điều 8, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

[5] Theo điểm 2.8, khoản 2, Điều 8, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

[6] Theo quy định tại Hướng dẫn số 10 ngày 15/02/2020 của UBKT Trung ương về cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng và cấp cơ sở trong Công an nhân dân.

[7] Theo quy định tại Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 14/02/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng và cấp cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết