Ngày 22/8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh, Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.
CHỈ THỊ
về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác
giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh
-----
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự (gọi tắt là giám định, định giá) nên chất lượng công tác giám định, định giá từng bước được nâng lên; công tác phối hợp trong giám định, định giá có chuyển biến tích cực; đội ngũ làm công tác giám định, định giá các cấp được bổ sung, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Tuy nhiên, công tác giám định, định giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám định, định giá ở một số lĩnh vực chưa được coi trọng; công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về lĩnh vực giám định, định giá chưa thường xuyên; chưa có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; công tác phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan giám định, định giá có lúc, có việc chưa kịp thời, chặt chẽ; vẫn còn tình trạng ban hành kết luận giám định, định giá chưa bảo đảm về thời gian và nội dung, sự phối hợp trong công tác giám định, định giá của các cơ quan liên quan có lúc thực hiện chưa tốt.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân: Cơ chế, chính sách pháp luật về giám định, định giá chưa đồng bộ, hoàn thiện; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám định, định giá; trình độ chuyên môn, năng lực của một số người giám định tư pháp, cán bộ làm công tác định giá còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu,… Để nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan đến công tác giám định, định giá có trách nhiệm chỉ đạo:
- Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giám định, định giá, trọng tâm là: Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ) và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác giám định, định giá. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám định, định giá phục vụ cho hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực.
- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có chức năng giám định, định giá phải trực tiếp phụ trách công tác giám định, định giá thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật và nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá; bảo đảm nội dung các kết luận phải chính xác, kịp thời, đầy đủ theo quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Lựa chọn, đề xuất người giám định tư pháp, cử thành viên tham gia hội đồng định giá tài sản bảo đảm có đủ năng lực; bố trí thời gian và tạo điều kiện để người làm công tác giám định, định giá thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, định giá, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động giám định, định giá thuộc thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm trong công tác giám định, định giá, nhất là các hành vi cố ý, lạm dụng, lợi dụng việc giám định, định giá nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm mục đích vụ lợi, tiêu cực; những trường hợp từ chối, né tránh, đùn đẩy việc giám định, định giá hoặc kết luận không đúng nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu định giá; cố ý kéo dài thời gian giám định, định giá. Đồng thời, chấn chỉnh hoặc kiến nghị chấn chỉnh các cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định, định giá hoặc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không đúng cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động giám định, định giá. Khi phát sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp mà các cơ quan không thể giải quyết được thì chủ động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ.
2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường quản lý nhà nước về công tác giám định, định giá; có biện pháp thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giám định trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp trên các lĩnh vực mà pháp luật cho phép tại địa phương; cho phép thành lập các tổ chức giám định ngoài công lập theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác giám định.
- Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn kịp thời, đầy đủ nhân sự làm công tác giám định, định giá trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiêu chí và chất lượng. Định kỳ hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám định, định giá.
- Xem xét, bố trí kinh phí để hỗ trợ cho đội ngũ thực hiện công tác giám định, định giá; đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng giám định, định giá để trục lợi, vi phạm pháp luật.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, định giá trên địa bàn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong công tác giám định, định giá.
- Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong công tác giám định, định giá giữa cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá với cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định, định giá và các cơ quan liên quan; chủ trì xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giám định, định giá.
- Định kỳ hàng năm báo cáo đánh giá công tác giám định, định giá cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo.
3. Cấp ủy và tổ chức đảng các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung sau:
- Đề cao trách nhiệm trong việc ra các quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá. Chỉ yêu cầu giám định, định giá đối với những trường hợp cần thiết theo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng việc giám định, định giá để kéo dài việc giải quyết vụ án, vụ việc, dẫn đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu định giá phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với chức năng của cơ quan được trưng cầu giám định, định giá. Xác định đúng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành giám định, định giá. Kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo thực hiện và tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác giám định, định giá và kịp thời bố trí kinh phí để thanh toán chi phí giám định, định giá theo quy định pháp luật.
- Rà soát các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đình chỉ do giám định, định giá kéo dài hoặc từ chối giám định, định giá mà không có lý do chính đáng để báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo xử lý. Trường hợp xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Định kỳ 6 tháng, cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo các khó khăn, vướng mắc về giám định, định giá và các vụ án, vụ việc chậm ban hành hoặc không ban hành kết luận để Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
- Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, đề xuất cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự phục vụ công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
4. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát theo thẩm quyền về công tác giám định, định giá trong hoạt động tố tụng hình sự.
5. Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tình hình thực hiện Chỉ thị để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Chỉ thị này.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ
Đinh Thị Hồng Minh
Đính kèm: Chỉ thị 39-CT/TU