Sáng 16/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời triển khai có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; đã ban hành Kế hoạch PCTN, tiêu cực hàng năm và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, khắc phục, chấn chỉnh trong công tác này, qua đó đã đạt được những hiệu quả tích cực.
Thủ trưởng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến công tác PCTN, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, tạo mối đoàn kết và phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN.
Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo sát sao, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN thường xuyên được triển khai thực hiện, đã có tác dụng kịp thời đến nhận thức từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; kịp thời xác minh, điều tra xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN, tiêu cực đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực được tăng cường hơn trước, đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các cơ quan trung ương quan tâm có biện pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật có tính đồng bộ, khả thi cao; trong đó, các bộ, ngành trung ương cần có sự phối hợp, thống nhất trong việc tham mưu hoặc ban hành các văn bản quy định cụ thể, nhất là sự đồng bộ trong quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quản lý tài sản công.
Có quy định hướng dẫn cụ thể về hệ thống các cơ quan chuyên trách thực hiện công tác PCTN, tiêu cực từ trung ương đến địa phương để đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc bỏ ngỏ các lĩnh vực trong hoạt động PCTN, tiêu cực. Trên cơ sở đó có các biện pháp kiện toàn, củng cố theo hướng thống nhất hóa, chuyên môn hóa, với các chế độ, chính sách đặc thù, có quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ được giao để có thể đảm đương tốt công tác PCTN, tiêu cực trong điều kiện tình hình hiện nay, đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
Kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chiến lược liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra để có cơ sở Thanh tra tỉnh tham mưu triển khai thực hiện tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ngãi trong việc chỉ đạo quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của trung ương về công tác PCTN, tiêu cực. Mục tiêu của Đoàn công tác là kiểm tra Chương trình chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023 trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị, ngành có trong kế hoạch kiểm tra của Đoàn công tác, bổ sung những vấn đề còn thiếu ở từng lĩnh vực để làm sáng tỏ hơn công tác PCTN và tiêu cực trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc diện được kiểm tra phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn công tác trong quá trình kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu, mục đích, chương trình, kế hoạch đề ra.
Tin, ảnh: N.ĐỨC/Báo Quảng Ngãi