Phòng ngừa, đấu tranh với sai phạm khi Luật Đất đai mới có hiệu lực

Song song với việc triển khai “để Luật Đất đai đi vào thực tiễn cùng với các Luật khác có liên quan, tạo điều kiện cho Nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng thực hiện thuận lợi, đạt kết quả” còn cần phải “chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai ngay từ khi Luật đất đai có hiệu lực”. Đây là một trong những  nội dung được đề cập tại Công văn số 4614/UBND-KTN ngày 27/8/2024 của UBND tỉnh.

Ảnh minh họa

Nhiều nội dung mới trong Luật Đất đai năm 2024

Luật Đất đai năm 2024 (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và các chính sách lớn đã được định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất sẽ tạo động lực cho phát triển

 Bên cạnh kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới, nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, chưa có trong tiền lệ, như có nhiều loại đất không giấy tờ sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đơn giản hóa điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ năm 2025; Đa dạng hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; Bổ sung nhiều khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất.

Dự báo phát sinh sai phạm

Luật đất đai mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trọng tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan.

Luật còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc ngăn chặn sai phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều cán bộ đã bị xử lý do sai phạm đất đai và khoảng 80% vụ án tham nhũng cũng xuất phát từ đất đai.Mặt khác, Luật Đất đai mới “có nhiều nội dung mới, nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, chưa có trong tiền lệ”. Vì vậy, khi triển khai sẽ không thể loại trừ hoàn toàn các trường hợp lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm, nhất là việc chính quyền cấp xã “ bắt tay”, câu kết xác nhận khống loại đất, thực trạng sử dụng đất (đất không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền), công trình, tài sản trên đất, điều kiện miễn, giảm tiền sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không có giấy tờ, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp tran lan, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng làm thất thu ngân sách hoặc chung chi, trục lợi các khoản hỗ trợ, bồi thường thu hồi đất…

Chủ động các biện pháp phòng ngừa sai phạm

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, không để các đối tượng lợi dụng sai phạm, đặc biệt là sai phạm có hệ thống, sai phạm kéo dài, trục lợi, gây hậu quả thiệt hại khó khắc phục mới phát hiện, điều tra, xử lý, tại Công văn số 4614/UBND-KTN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức tốt các chính sách, quy định về đất đai; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa đối với tội phạm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; phối hợp với các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc, các giải pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót, không để tham nhũng, tiêu cực và không để sợ “ sai”, sợ trách nhiệm, không dám làm; phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, kết nối với cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, nhận diện, phát hiện các vi phạm, tội phạm; tổ chức nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai để xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi lợi dụng việc triển khai, thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi gây thiệt hại và làm thất thoát tài sản nhà nước. Kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới hoặc phương thức, thủ đoạn cũ, hành vi cũ nhưng biến đổi theo một số hình thức mới để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả  với tội phạm và vi phạm pháp luật trong quản lý, sủ dụng đất đai.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, kịp thời phát hiện các vi phạm, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định; đơn giản thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sach nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã triển khai nghiêm túc công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

P Anh/quangngai.dcs.vn


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết