Cách đây 80 năm, cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ đã nổ ra và giành thắng lợi (11/3/1945), đây là thành quả của đường lối cách mạng đúng đắn và khoa học của Đảng, minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, là tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của những người Cộng sản kiên trung và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi; khởi nghĩa giành thắng lợi có ý nghĩa to lớn, là điểm sáng trong cao trào kháng Nhật cứu nước, góp phần làm nên thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi, một địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi đã có tác động to lớn đến phong trào cách mạng trong toàn tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, dù là cuộc khởi nghĩa diễn ra trong phạm vị tương đối nhỏ, nhưng có vị trí rất lớn và là một biểu tượng của tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc chuẩn bị và chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Thắng lợi của Khởi nghĩa Ba Tơ và sự ra đời của Đội Du kích Ba Tơ đã mở ra cao trào kháng Nhật, cứu nước để tiến tới Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ riêng cho Quảng Ngãi mà còn là “điểm sáng” của cả Nam Trung Bộ.
Ba Tơ là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, có địa thế núi non hiểm trở, có mạng đường thông thương với các nơi trong và ngoài tỉnh, là một vùng dân cư không đông, bao gồm cả người Kinh và người dân tộc thiểu số, có truyền thống bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, là “mảnh đất thánh” của phong trào cách mạng Khu 5. Cuối năm 1940 đầu năm 1941, thực dân Pháp xây dựng “Căng an trí” tại Ba Tơ, đưa các chiến sĩ hoạt động cách mạng đã mãn hạn tù về đây quản lý, khống chế, triệt tiêu mọi hoạt động cách mạng. Hầu hết các chiến sĩ, đảng viên kiên trung của Quảng Ngãi đều lần lượt đưa lên đày ải, giam lỏng tù chính trị tại đây. Bên cạnh đó, chúng cho rằng với với khí hậu khắc nghiệt và bệnh sốt rét cùng với chế độ kìm kẹp hà khắc sẽ làm hao mòn, hủy hoại dần sức khỏe, thể xác, tinh thần của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng trái lại với thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu năm 1942, tại “Căng an trí” Ba Tơ hình thành một chi bộ Đảng gồm 05 đảng viên do đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư. Tháng 12 năm 1944, tại một địa điểm trên suối Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư.
Đêm ngày 9/3/1945, phát-xít Nhật đảo chính, lật đổ thực dân Pháp trên toàn Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”[1], Hội nghị còn quyết định cho phép những nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương; chuyển sang hình thức đấu tranh cao và mạnh hơn, như biểu tình thị uy, lập ủy ban nhân dân cách mạng.
Tại Quảng Ngãi, phát-xít Nhật tiến hành đảo chính thực dân Pháp, làm chủ tỉnh lị Quảng Ngãi. Tuy chưa nhận được Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”[2], nhưng với tinh thần cách mạng triệt để, quyết tâm cao, đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5/1941) là “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn”, tối 10/3/1945, tại một cơ sở ở gần đồn Ba Tơ, Tỉnh ủy mở hội nghị để phân tích, đánh giá tình hình, tập trung thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng: Hội nghị quyết định chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa; xác định kẻ thù chính là Phát-xít Nhật và tay sai; phương pháp tiến hành và phạm vi khởi nghĩa; hình thức đấu tranh; xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ; quyết định thời gian khởi nghĩa và thành lập Ban Lãnh đạo khởi nghĩa[3].
Nắm chắc thời cơ nghìn năm có một, được sự chuẩn bị chu đáo và sáng tạo trong phương pháp hành động, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương, nhưng Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ba Tơ vào chiều ngày 11/3/1945, cuộc khởi nghĩa sớm trong toàn quốc. Sau khởi nghĩa giành thắng lợi, chỉ hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp và trước hai ngày quân Nhật kéo đến, sáng ngày 12/3/1945, Ban Lãnh đạo khởi nghĩa đã tổ chức cuộc mít-tinh tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ và Đội Du kích cứu quốc Ba Tơ ra đời.
Khởi nghĩa Ba Tơ là một dấu son sáng ngời của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và của cả Nam Trung Bộ nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc:
Một là, Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi, minh chứng cho chủ trương của Đảng được đề ra từ Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) là hoàn toàn đúng đắn“với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành thắng lợi và mở đường cho một cuộc một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[4].
Khởi nghĩa Ba Tơ chứng minh rằng, một khi đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đã thâm nhập vào quần chúng thì nhất định nó sẽ trở thành một sức mạnh vật chất to lớn, đủ sức đập tan guồng máy thống trị tàn bạo của quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Khởi nghĩa Ba Tơ, minh chứng cho đường lối cách mạng khoa học, sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng. Những người Cộng sản Quảng Ngãi đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo, sát hợp tình hình địa phương, thông qua các tổ chức, đưa đường lối ấy thâm nhập sâu vào trong quần chúng và biến nó thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Hai là, Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi, là điển hình về sự chủ động và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào thực tiễn của địa phương; thể hiện vai trò lãnh đạo, đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trong nắm chắc và vận dụng đầy đủ, sáng tạo Nghị quyết Trung ương lần thứ tám (5/1941) vào thực tế của tỉnh, đánh giá đúng địch ta, chớp đúng thời cơ, chọn đúng địa điểm tiến hành khởi nghĩa và giành thắng lợi. Qua đó thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết chiến, quyết thắng và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa của Đảng bộ tỉnh, của truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.
Ba là, Khởi nghĩa Ba Tơ là một trong những “điểm sáng” điển hình của phong trào kháng Nhật cứu nước “Đánh đuổi phát-xít Nhật… chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật. Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa; sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”[5].
Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở Ba Tơ, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng toàn tỉnh tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Quảng Ngãi.
Thắng lợi đó có ảnh hưởng to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cách mạng, khí thế đấu tranh của Nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ đứng lên đấu tranh giành chính quyền; tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong trong toàn quốc.
Bốn là, Khởi nghĩa Ba Tơ là điển hình của sự nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền; là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, vì giai cấp thống trị không bao giờ tự nguyện từ bỏ địa vị và quyền lợi của chúng. Giai cấp bị áp bức muốn làm cách mạng tự giải phóng, xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng xã hội mới thì phải dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng. Quan điểm này được vận dụng xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Ban Lãnh đạo khởi nghĩa đẩy mạnh công tác vận động binh lính địch, vận động quần chúng cách mạng, phát huy ưu thế tuyệt đối của bạo lực cách mạng, áp đảo bạo lực phản cách mạng quân thù, buộc chúng phải đầu hàng.
Năm là, sau Khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi, dẫn tới sự ra đời của Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ và Đội Du kích cứu quốc Ba Tơ, một chính quyền cách mạng và một lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của cả Nam Trung Bộ, có ý nghĩa to lớn tác động đến khí thế cách mạng trong cả nước. Đội Du kích cứu quốc Ba Tơ ra đời trở thành lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Nhân dân Quảng Ngãi, là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ở Nam Trung Bộ, báo hiệu một thời kỳ bão táp cách mạng đang tới, tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng, tiến tới xóa bỏ ách thống trị của địch, giành chính quyền về tay Nhân dân trên quy mô lớn. Sau khởi nghĩa, Ban Lãnh đạo khởi nghĩa một mặt chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng để kháng chiến lâu dài, mặt khác khẩn trương phát triển lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Sáu là, Khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi, minh chứng điển hình cho truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm của Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, của Nhân dân Nam Trung Bộ trong đấu trong đấu tranh giành chính quyền. Quần chúng cách mạng bị áp bức bóc lột nặng nề đã chất chứa căm thù cao độ với những tội ác mà thực dân Pháp – phát-xít Nhật đã gây ra, đã được Đảng tổ chức, giác ngộ, sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào yêu nước và truyền thống cách mạng của Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã được Đảng bộ kế thừa và phát huy đến cao độ trong việc giành chính quyền về tay Nhân dân.
Bảy là, thắng lợi của Khởi nghĩa Ba Tơ là điển hình của công tác vận động quần chúng; trong lãnh đạo luôn phát huy vai trò quần chúng và công tác vận động quần chúng; xây dựng khối đoàn kết toàn dân, huy động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phải luôn quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường của Nhân dân và xây dựng lực lượng quân đội cách mạng vững mạnh. Như Bác Hồ đã nói: Người trước, súng sau, có người rồi có súng, có Đảng chỉ lối dẫn đường, có Nhân dân nhất định giành thắng lợi.
Tóm lại, Khởi nghĩa Ba Tơ và sự ra đời của Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ, chính quyền cách mạng đầu tiên ở Quảng Ngãi và Đội Du kích cứu quốc Ba Tơ là ngọn cờ hiệu triệu, phát động quần chúng, vận động Nhân dân, xây dựng lực lượng trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ở Nam Trung Bộ, mở ra một cao trào kháng Nhật cứu quốc, thúc đẩy nhanh điều kiện chủ quan để kịp thời tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám trong cả nước.
Hơn 80 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống của Khởi nghĩa Ba Tơ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần phải: tiếp tục củng cố xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng bộ tỉnh và các tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, nhất là người đứng đầu; giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG GIANG – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 – 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.364.
[2] Chỉ thị “Nhật Pháp băn nhau và hành động của chúng ta” ban hành ngày 12 tháng 3 năm 1945.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 – 1975), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.120.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 – 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.131-132.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 – 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.367.