HUYỆN ỦY MỘ ĐỨC TỔ CHỨC CHÀO CỜ VÀ SINH HOẠT DƯỚI CỜ THÁNG 11-2024

Sáng ngày 04/11/2024, Tại khuôn viên Nhà tưởng niệm Bà Mẹ Việt Nam anh hùng huyện Mộ Đức, Huyện ủy Mộ Đức tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt chính trị dưới cờ tháng 11-2024. Dự lễ chào cờ có đồng chí Nguyễn Quang Vinh – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lê Thái Huyên- UVBTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, cùng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc huyện.

 

  


Trong không khí trang nghiêm, trước quốc kỳ Tổ quốc, nghi lễ chào cờ, hát quốc ca được tiến hành trang trọng.

Sau nghi lễ chào cờ, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng nhau nghe đồng chí Nguyễn Đức Tươi – Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra huyện báo cáo sinh hoạt chính trị dưới cờ tháng 11 với Chủ đề “Bác Hồ với công tác Thanh tra”.

Đồng chí Nguyễn Đức Tươi – Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra huyện báo cáo sinh hoạt chính trị dưới cờ

Cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, về mẫu mực của lối sống với đức tính “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người luôn quan tâm tới việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh bài trừ mọi thói hư tật xấu, chống tệ quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, xa rời quần chúng. Những điều này phần nào lý giải tại sao Người luôn dành những sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra, kiểm tra.

Một câu nói của Bác mà chúng ta ai cũng nhớ, đó là “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, cũng như lời Bác dặn “Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây là quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, không chỉ nói lên tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra mà còn cho chúng ta thấy được tính tổ chức, kỷ luật trong bộ máy quản lý; trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, trách nhiệm của cấp trên, cấp dưới đối với công tác thanh tra.

Theo Người, công tác lãnh đạo, điều hành mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường thanh tra, kiểm tra thì mới chống được các tệ nạn này. Người nói “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”.

Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu không để các vi phạm xảy ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, cũng luôn có tác dụng phòng ngừa, răn đe, cảnh báo những hành vi vi phạm của các đối tượng quản lý.

Bên cạnh đó, Bác cũng rất quan tâm đến cán bộ làm công tác thanh tra. Bác đã chỉ rõ “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được”. Bác căn dặn: “cán bộ thanh tra cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”.

Trong suốt 79 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng cán bộ, công chức, người lao động ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của mình “Hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ”, “Trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”.

Học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra huyện Mộ Đức nói riêng có nhiều nỗ lực, tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, chấn chỉnh những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Tham mưu UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó các cấp, các ngành đã tăng cường công tác, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao nhờ đó công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến tích cực, Thủ trưởng nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của luật; việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện với các địa phương ngày càng được tăng cường, qua đó đã kịp thời tham vấn, tháo gỡ các vướng mắc về chuyên môn trong quá trình xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương; nên chất lượng tham mưu xử lý đơn, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được nâng lên; đã tập trung giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, trên địa bàn không có điểm nóng… góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác PCTNTC tiếp tục được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, PCTNTC đạt được kết quả tích cực. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe kịp thời đối với các đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ công chức Thanh tra huyện không ngừng ra sức phấn đấu xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết